Ngày 02/06/2005 Bộ Tài chính - Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư liên tịch
số 43/2005/TTLT/BTC-BQP Hướng dẫn thực hiện chính sách thuế và thu Ngân sách
Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ của các
đơn vị thuộc Bộ quốc phòng. | Theo đó, đối
với việc kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp: trong kỳ kế hoạch mỗi
quý một lần, các công ty quốc phòng có phát sinh thu nhập từ hoạt động
sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và thu nhập từ hoạt động
sản xuất kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ khác tự xác định số thuế
thu nhập doanh nghiệp phải nộp và nộp về tài khoản của Bộ Quốc phòng mở
tại Kho bạc nhà nước thành phố Hà Nội. Cuối năm, các công ty quốc
phòng thực hiện quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động sản
xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích và thuế thu nhập doanh
nghiệp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ
khác với Bộ Quốc phòng theo đúng chế độ quy định. Trên cơ sở quyết toán
của các công ty quốc phòng, Bộ Quốc phòng xác định số nộp chính thức vào
Ngân sách Nhà nước của các công ty quốc phòng và nộp vào Ngân sách nhà
nước Trung ương… Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể
từ ngày đăng Công báo.
|
Ngày 02/06/2005 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số
19/2005/CT-TTg về yêu cầu tiết kiệm Điện. |
Trước thực trạng diễn biến thời tiết không thuận lợi, hạn hán xảy ra
trên diện rộng và kéo dài, lưu lượng nước về các hồ thủy điện rất
thấp, các hồ chứa thủy điện chỉ tích được từ 25 - 50 % dung tích
thiết kế, ngày 02/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số
19/2005/CT-TTg yêu cầu: Các cơ quan, công sở tắt các thiết bị
dùng điện không cần thiết khi ra khỏi phòng và hết giờ làm việc. Cắt
hẳn nguồn điện khi không sử dụng các thiết bị. Tận dụng tối đa ánh
sáng và thông gió tự nhiên, tắt bớt đèn chiếu sáng khi số người làm
việc trong phòng giảm. Giảm ít nhất 50% số lượng đèn chiếu sáng
chung ở hành lang… Giảm 50% số lượng đèn chiếu sáng tại các
tuyến phố, quảng trường, công viên, vườn hoa công cộng, trừ biển
báo, đèn hiệu chỉ dẫn an toàn giao thông… Các nhà hàng, cơ sở
dịch vụ thương mại cắt giảm ít nhất 50% số lượng đèn quảng cáo,
trang trí, chỉ dùng 01 bóng đèn chiếu sáng biển hiệu… Tổng công
ty Điện lực Việt Nam có trách nhiệm: thực hiện phương thức vận hành
ổn định, an toàn trong hệ thống điện; bố trí kế hoạch sửa chữa các
nhà máy điện hợp lý; tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, nâng cao
năng lực khai thác thiết bị; hạn chế sự cố, tiết kiệm chi phí nhiên
liệu, giảm tổn thất điện năng nhằm huy động tối đa và có hiệu quả
các nguồn điện; huy động một cách hợp lý công suất và điện năng các
nhà máy thủy điện, các nguồn điện mua của các nhà máy điện độc lập
và các nguồn điện dự phòng của khách hàng…
|
Ngày 06/06/2005 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 45/2005/TT- BTC
Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 78/2003/NĐ-CP, Nghị định số
151/2004/NĐ-CP, Nghị định số 213/2004/NĐ-CP, Nghị định số 13/2005/NĐ-CP
về ban hành Danh mục hàng hoá và thuế suất của Việt Nam để thực hiện
Hiệp định về Chương trình ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) của
các nước ASEAN. | Theo đó, Bộ Tài chính
hướng dẫn: Trường hợp hàng hoá do doanh nghiệp nhập khẩu để sản
xuất, lắp ráp sản phẩm cơ khí, điện, điện tử vừa đủ điều kiện để áp
dụng mức thuế suất CEPT, vừa đủ điều kiện áp dụng mức thuế suất thuế
nhập khẩu theo tỷ lệ nội địa hoá theo các quy định hiện hành thì
doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai cách là thực hiện chính
sách thuế theo tỷ lệ nội địa hoá hoặc theo thuế suất CEPT. Cụ
thể: nếu doanh nghiệp chọn áp dụng mức thuế suất theo tỷ lệ nội địa
hoá thì khi nhập khẩu chi tiết hoặc cụm chi tiết không đồng bộ,
doanh nghiệp phải áp dụng chung một mức thuế suất theo tỷ lệ nội địa
hoá cho toàn bộ danh mục các chi tiết hoặc cụm chi tiết nhập khẩu
mặc dù trong danh mục có những chi tiết đủ điều kiện áp dụng theo
mức thuế suất CEPT; Trường hợp doanh nghiệp chọn áp dụng mức thuế
suất CEPT thì những chi tiết hoặc cụm chi tiết không đồng bộ có đủ
điều kiện áp dụng theo mức thuế suất CEPT thì được áp dụng theo mức
thuế suất CEPT; những chi tiết và cụm chi tiết còn lại áp dụng theo
mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (thuế suất MFN) hoặc thông
thường… Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể, từ ngày đăng
Công báo.
|
Ngày 06/06/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2005/NĐ-CP quy
định về Quản lý Đầu tư Xây dựng đặc thù. |
Theo Nghị định, các loại công trình đặc thù bao gồm: công trình bí
mật nhà nước (như công trình xây dựng thuộc các lĩnh vực quốc phòng,
an ninh, kinh tế, khoa học, công nghệ và các lĩnh vực khác thuộc
danh mục bí mật nhà nước, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết
định theo quy định của pháp luật về bí mật nhà nước); công trình xây
dựng theo lệnh khẩn cấp (là công trình phải được xây dựng và hoàn
thành kịp thời, để phòng, chống thiên tai và địch họa, ngăn chặn và
hạn chế thiệt hại, đáp ứng yêu cầu của lệnh khẩn cấp do người có
thẩm quyền ban hành theo pháp luật về tình trạng khẩn cấp, tình
huống khẩn cấp và pháp luật khác có liên quan đến yêu cầu khẩn cấp)
và công trình tạm… Khi đó, tại công trường xây dựng công trình
bí mật nhà nước không yêu cầu phải có biển báo như quy định đối với
công trình xây dựng khác. Người tham gia xây dựng công trình phải có
nhân thân phù hợp với trách nhiệm công việc đảm nhận và chịu sự kiểm
soát khi ra, vào công trường… Trường hợp Nhà nước chưa có quy
định về đơn giá đối với những công trình đặc thù thì người được giao
quản lý, thực hiện dự án được tổ chức xây dựng đơn giá trình Bộ
trưởng hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quản lý trực tiếp xem xét phê
duyệt. Người phê duyệt đơn giá phải chịu trách nhiệm về quyết định
của mình… Người được giao quản lý, thực hiện xây dựng công trình
khẩn cấp được quyền quyết định toàn bộ các công việc trong hoạt động
xây dựng và phải chịu trách nhiệm về các quyết định của mình…
Các công trình tạm đã được thể hiện trong sơ đồ tổng mặt bằng công
trường xây dựng hoặc trên khu đất đã được cơ quan có thẩm quyền thoả
thuận tạm sử dụng đất thì được tiến hành xây dựng khi có thiết kế
bản vẽ thi công mà không phải xin phép xây dựng… Nghị định này
có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Ngày 07/06/2005 Bộ Tài chính đã ban hành Công văn số 6864/TC/TCT VỀ VIỆC
PHÂN BỔ THUẾ GTGT ĐẦU VÀO ĐƯỢC KHẤU TRỪ |
Theo Công văn gửi Cục thuế các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương
ngày 07/06/2005, Bộ Tài chính đã hướng dẫn giải quyết các vướng mắc
khi thực hiện phân bổ thuế GTGT đầu vào của hàng hoá dịch vụ dùng
chung cho hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế
GTGT và hàng hoá, dịch vụ không chịu thuế GTGT theo hướng dẫn lập
Bảng phân bổ số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào được khấu
trừ trong kỳ (Mẫu số 02B/GTGT) ban hành kèm theo Thông tư số
127/2004/TT-BTC ngày 27/12/2004 của Bộ Tài chính như sau: Tại
điểm 1.2.c, Mục III, Phần B Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày
12/12/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số
158/2003/NĐ-CP ngày 10/12/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi
hành Luật thuế giá trị gia tăng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật thuế giá trị gia tăng hướng dẫn: “ Cơ sở kinh doanh phải
hạch toán riêng thuế đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất
kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT.
Trường hợp hàng hoá, dịch vụ sử dụng chung cho sản xuất, kinh doanh
hàng hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế giá trị gia tăng
nhưng cơ sở không hạch toán riêng được thuế đầu vào được khấu trừ,
thì thuế đầu vào được tính khấu trừ theo tỷ lệ (%) doanh số của hàng
hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT so với tổng doanh số của hàng hoá, dịch
vụ bán ra.”. Căn cứ vào quy định nêu trên, thay thế đoạn “ Thuế
GTGT của HHDV mua vào trong kỳ: Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này bằng
số liệu ở chỉ tiêu mã số [22] trên Tờ khai thuế GTGT” trong phần ghi
chú của Bảng phân bổ số thuế GTGT của hàng hoá, dịch vụ mua vào được
khấu trừ trong kỳ (Mẫu số 02B/GTGT) bằng đoạn “Thuế GTGT của HHDV
mua vào trong kỳ: Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số thuế GTGT
của hàng hoá, dịch vụ sử dụng chung cho sản xuất, kinh doanh hàng
hoá, dịch vụ chịu thuế và không chịu thuế GTGT mà cơ sở kinh doanh
không hạch toán riêng được thuế đầu vào phải khấu trừ.”.
|
Ngày 07/06/2005 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP Về
Phòng, chống rửa tiền. | Theo đó, Chính
phủ quy định: kể từ ngày 01/8/2005, Ngân hàng và các cơ quan đều sẽ
phải có những biện pháp theo dõi, giám sát với tất cả các giao dịch
tiền tệ trên lãnh thổ Việt Nam. Các giao dịch tiền tệ được đưa
vào danh sách cần theo dõi, giám sát bao gồm: một hoặc nhiều giao
dịch trong một ngày do cá nhân hay tổ chức thực hiện bằng tiền mặt
có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ, bằng
vàng có giá trị tương đương, Đối với giao dịch tiền gửi tiết kiệm
thì mức tổng giá trị của một hay nhiều giao dịch bằng tiền mặt trong
một ngày do cá nhân, tổ chức thực hiện là 500 triệu đồng trở lên…
Trong quá trình phòng, chống rửa tiền, có thể áp dụng một trong các
biện pháp tạm thời như không thực hiện giao dịch, phong toả tài
khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản, tạm giữ người vi phạm, các
biện pháp ngăn chặn khác… Cơ quan điều tra có thẩm quyền được
phong toả tài khoản, niêm phong hoặc tạm giữ tài sản, tạm giữ ngưười
vi phạm và các biện pháp ngăn chặn khác theo quy định của pháp luật…
Cá nhân hoặc tổ chức có trách nhiệm trong phòng, chống rửa tiền, nếu
vi phạm quy định tại Nghị định này mà chưa đến mức truy cứu trách
nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5 đến 15 triệu
đồng đối với hành vi không thông báo hoặc không báo cáo cho Trung
tâm thông tin phòng, chống rửa tiền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm
quyền, không lưu giữ sổ sách, hồ sơ, tài liệu có liên quan tới các
giao dịch trong thời gian phải được lưu giữ, không thông báo cho
Trung tâm thông tin phòng, chống rửa tiền hoặc cơ quan nhà nước có
thẩm quyền khi phát hiện có sai lệch trong các hồ sơ, tài liệu, báo
cáo, sổ sách… Đối với hành vi thông báo cho các bên liên quan
tới giao dịch về nội dung các báo cáo hoặc thông tin đã cung cấp,
trì hoãn hoặc không thực hiện các yêu cầu của Trung tâm thông tin
phòng, chống rửa tiền hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại
Nghị định này mà không có lý do chính đáng… Nghị định cũng yêu cầu
phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng; Ngoài việc bị phạt cảnh cáo
hoặc phạt tiền, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị tước quyền sử
dụng có thời hạn hoặc không có thời hạn đối với giấy phép hoạt động,
chứng chỉ hành nghề được sử dụng để vi phạm Nghị định này có
hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
Ngày 08/06/2005 Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn
số 1746/LĐTBXH-TL VỀ VIỆC CHUYỂN XẾP LƯƠNG CŨ SANG LƯƠNG MỚI TRONG CÔNG
TY NHÀ NƯỚC | Theo Công văn số
1746/LĐTBXH-TL của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội gửi Các Bộ, cơ
quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Uỷ ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc TW và Tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt về
việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới trong Tổng Công ty Nhà nước.
Theo đó, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội hướng dẫn về chuyển xếp
lương cũ sang lương mới đối với Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng
giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng, công nhân, viên chức, nhân
viên trong công ty nhà nước như sau: Đối với người xếp bậc 7,
bậc 8 của ngạch chuyên viên, kinh tế viên, kỹ sư, thi đạt kết quả
nâng ngạch viên chức thì bậc 7 chuyển xếp vào bậc 2, bậc 8 chuyển
xếp vào bậc 3 ngạch chuyên viên chính, kinh tế viên chính, kỹ sư
chính. Trường hợp đã chuyển xếp vào bậc 1, bậc 2 lương mới ngạch
chuyên viên chính, kỹ sư chính thì chuyển xếp lại bậc 1 vào bậc 2,
bậc 2 vào bậc 3 theo bảng lương viên chức chuyên môn, nghiệp vụ
trong công ty nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP
ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Thời gian nâng bậc lương lần sau
tính từ ngày được xếp bậc 7, bậc 8 của ngạch chuyên viên, kinh tế
viên, kỹ sư.
|
Ngày 31/05/2005 Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 42/2005/TT- BTC
hướng dẫn thực hiện Nghị định số 48/2005/NĐ-CP về việc giảm thuế suất
thuế nhập khẩu một số mặt hàng để thực hiện thoả thuận giữa Việt Nam và
Thái Lan liên quan đến việc Việt Nam hoãn thực hiện Hiệp định CEPT của
các nước ASEAN đối với một số mặt hàng phụ tùng, linh kiện xe máy và xe
ô tô tải nhẹ nguyên chiếc. | Theo đó,
Hàng hoá nhập khẩu để được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu
đãi đặc biệt CEPT (sau đây gọi tắt là mức thuế suất CEPT), quy định
tại Điều 1 của Nghị định số 48/2005/NĐ-CP ngày 08/04/2005 của Chính
phủ phải đáp ứng các điều kiện sau: 1. Nằm trong Danh mục hàng
hoá và thuế suất của Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số
48/2005/NĐ-CP ngày 08/04/2005 của Chính phủ. 2. Được nhập khẩu
và vận chuyển thẳng từ Vương quốc Thái Lan vào Việt Nam theo nguyên
tắc vận tải trực tiếp quy định tại Quyết định số 1420/2004/QĐ-BTM
ngày 04/10/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại. 3. Thoả mãn yêu cầu
xuất xứ ASEAN, được xác nhận bằng giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá
ASEAN - Mẫu D (viết tắt là C/O mẫu D) do Bộ Thương mại của Vương
quốc Thái Lan hoặc cơ quan được uỷ quyền của Vương quốc Thái Lan
cấp, quy định tại Phần III của Thông tư này. 4. Thuộc các tờ
khai hải quan hàng nhập khẩu đăng ký với cơ quan Hải quan từ ngày 01
tháng 04 năm 2005 đến ngày 31 tháng 12 năm 2007. Thuế suất thuế
nhập khẩu áp dụ: 1. Mức thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho
hàng hoá nhập khẩu thuộc diện hưởng thuế suất CEPT theo quy định tại
Phần I của Thông tư này là thuế suất CEPT cho từng năm, tương ứng
với cột thuế suất CEPT của năm đó, được quy định tại Danh mục hàng
hoá và thuế suất của Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số
48/2005/NĐ-CP ngày 08/04/2005 của Chính phủ. 2. Mức thuế suất
CEPT theo quy định tại Phần I của Thông tư này được áp dụng cho các
mặt hàng nhập khẩu từ Vương Quốc Thái Lan. Hàng hoá nhập khẩu từ
các nước thành viên ASEAN khác (gồm Bru- nây Đa-ru-sa-lam; Vương
quốc Cam-pu-chia; Cộng hoà In-đô-nê-xi-a; Cộng hoà dân chủ nhân dân
Lào; Ma-lay-xi-a; Liên bang My-an-ma; Cộng hoà Phi-lip-pin; và Cộng
hoà Sin-ga-po) có trong Danh mục hàng hoá ban hành kèm theo Nghị
định số 48/2005/NĐ-CP ngày 08/04/2005 của Chính phủ tiếp tục được áp
dụng các mức thuế suất đã ban hành kèm theo các Nghị định số
78/2003/NĐ-CP ngày 01/07/2003, Nghị định số 151/2004/NĐ-CP ngày
05/08/2004 và Nghị định số 13/2005/NĐ- CP ngày 03/02/2005 của Chính
phủ nếu đủ điều kiện áp dụng mức thuế suất CEPT . Thông tư này có
hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
|
|