emacs-commit
[Top][All Lists]
Advanced

[Date Prev][Date Next][Thread Prev][Thread Next][Date Index][Thread Index]

[Emacs-commit] Ban tin phap luat tuan so 2006-28


From: Luat Gia Pham
Subject: [Emacs-commit] Ban tin phap luat tuan so 2006-28
Date: Thu, 20 Jul 2006 17:53:19 +0200

Luật Gia Phạm

18001551
www.luatgiapham.com
www.law.com.vn

Hà nội:133 Thái Hà - Đống Đa - Tel: 04.5374748    HCM:402 Nguyễn Kiệm - Phú Nhuận - Tel: 08.9954609 

 

Xin chào,
Cuối tuần vừa rồi tôi bận quá nên rất tiếc là bản tin hôm nay lại đến trễ 1 ngày. Nhưng tôi rất vui vì có nhiều bạn đã email hỏi về sự chậm trễ này và lo rằng tôi không được khỏe. Cám ơn các bạn vì đã quan tâm tới điều đó. Cuối tuần tôi vẫn phải làm việc thường xuyên tới hơn 2h sáng ở Văn phòng và cố gắng kết thúc công việc dở dang.
~longpt

BẢN TIN PHÁP LUẬT
Số 2006-28
Từ: 16/07/2006
Đến: 22/07/2006

Ngày 07/07/2006 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 36/2006/QĐ-BTC về việc ban hành Quy chế quản lý và giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ năm 2005.
Nguồn vốn trái phiếu quốc tế được ưu tiên đầu tư cho các dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu hiện đại hóa và nâng cao năng lực ngành đóng tàu biển Việt Nam theo quyết định 914/QĐ-TTg ngày 01/09/2005 của Thủ tướng chính phủ, bao gồm cả việc bổ sung vốn cho các dự án VINASHIN dự kiến thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn vay của Quỹ hỗ trợ phát triển, vốn tự có hoặc vốn vay từ các tổ chức tài chính tín dụng trong và ngoài nước nhưng chưa thu xếp được.
VINASHIN có trách nhiệm sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, có hiệu quả, cân đối tài chính của toàn hệ thống để đảm bảo trả nợ đầy đủ và đúng hạn, không dùng nguồn vốn này để xử lý cho các thiệt hại, rủi ro do VINASHIN gây ra.
Bộ Tài chính ủy quyền cho Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam là ngân hàng phục vụ mở tài khoản cho Bộ Tài chính và VINASHIN để tiếp nhận nguồn vốn trái phiếu quốc tế, thực hiện giám sát việc giải ngân đúng mục đích theo kế hoạch tổng thể do Công ty được uỷ quyền lập theo qui định của Điều 7, Khoản 2 của Quy chế này và giám sát tài sản thế chấp theo Hợp đồng uỷ quyền của Bộ Tài chính.
Việc rút vốn chỉ được thực hiện sau khi có quyết định phê duyệt dự án đầu tư hoặc quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền và thực hiện theo các gói thầu của dự án, trừ các chi phí chung của dự án không được phân bổ vào các gói thầu. Khối lượng phát sinh phải được cấp thẩm quyền phê duyệt (nếu khối lượng phát sinh được đấu thầu) hoặc dự toán bổ sung phải được cấp thẩm quyền phê duyệt (nếu khối lượng phát sinh không được đấu thầu) trước khi thanh toán…
VINASHIN thực hiện các biện pháp để đảm bảo cho việc thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu quốc tế như sau: VINASHIN thoả thuận với các chủ dự án và quyết định mức lãi suất cho vay lại đối với các chủ dự án để đảm bảo việc trả lãi, phí hàng năm của trái phiếu, bù đắp các chi phí liên quan và có dự phòng; VINASHIN được phép phân bổ khoản phí phát hành trái phiếu ban đầu cho các chủ dự án sử dụng nguồn trái phiếu quốc tế theo hình thức thu hộ - chi hộ; VINASHIN phải yêu cầu các chủ dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế mua bảo hiểm tài sản hình thành từ nguồn trái phiếu quốc tế theo qui định của pháp luật...
VINASHIN sử dụng toàn bộ tài sản hình thành của khoản vay lại nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ để thế chấp và đảm bảo cho khoản vay lại. Trong trường hợp, tài sản được hình thành từ nhiều nguồn vốn thì tài sản thế chấp, đảm bảo được tính toán theo tỷ trọng đóng góp của từng nguồn vốn. VINASHIN sẽ cung cấp cho Bộ Tài chính và Ngân hàng phục vụ toàn bộ danh sách các dự án và toàn bộ tài sản mà VINASHIN đầu tư bằng nguồn tiền phát hành trái phiếu quốc tế được sử dụng để thế chấp và đảm bảo tiền vay.
: Trong trường hợp có khó khăn về ngoại tệ, VINASHIN có thể trả bằng đồng Việt Nam. Để thực hiện việc trả nợ bằng đồng Việt Nam, VINASHIN phải thông báo chính thức cho Bộ Tài chính bằng văn bản trước ngày đến hạn trả nợ 01 tháng (đối với phần trả lãi và phí) và trước 03 tháng (đối với khoản thanh toán trả gốc) để Bộ Tài chính thu xếp việc chuyển đổi tiền Việt Nam thành đồng đô la Mỹ.
VINASHIN chuyển toàn bộ số tiền đồng Việt Nam tương đương với số tiền USD do Bộ Tài chính thông báo có thể thu xếp được và qui đổi theo tỷ giá nêu tại Điều 5, Khoản 8 trên đây cộng thêm phí chuyển tiền dự kiến phải trả ngân hàng vào tài khoản do Bộ Tài chính chỉ định. Bộ Tài chính sẽ chuyển tiền thanh toán trực tiếp cho Đại lý thanh toán theo quy định tại Điều 8, Khoản 5 của Quy chế này.
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.
Ngày 07/10/2006 Bộ Thương Mại đã ban hành Thông báo số 0263/BTM-DM điều hành hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Hoa Kỳ năm 2006 đối với phần nguồn vốn còn lại dành cấp visa tự động của Cat. 340/640.
Liên Bộ Thương mại- Bộ Công nghiệp thông báo phân giao hạn ngạch phần nguồn còn lại dành cấp visa tự động của chủng loại Cat. 340/640 như sau: Cấp hạn ngạch cho thương nhân đăng ký từ 3.000 tá trở xuống đối với thương nhân không có hạn ngạch ký quỹ bảo lãnh.
Đối với thương nhân đăng ký trên 3.000 tá được phân giao tối thiểu 3.000 tá, cộng với 60% số đăng ký sau khi trừ đi 3.000 tá. Từ tá thứ 3.001 trở đi, mỗi lần đăng ký làm thủ tục visa, Phòng QLXNK trừ 60% vào nguồn tự động, và 40% vào tiêu chuẩn ký quỹ bảo lãnh của thương nhân cho tới hết số lượng được cấp tự động theo danh sách này.
Trường hợp thương nhân không còn hạn ngạch ký quỹ bảo lãnh hoặc hạn ngạch ký quỹ bảo lãnh không còn đủ, để áp dụng nguyên tắc nêu trên thì được sử dụng toàn bộ số hạn ngạch được cấp theo thông báo này và trừ vào nguồn tự động, nếu lượng thực xuất cao hơn lượng được phân giao thì thương nhân báo cáo Ban Dệt may để trình Lãnh đạo Liên Bộ duyệt cấp thêm theo số lượng thực xuất.
Hạn ngạch này có hiệu lực cho các lô hàng rời cảng Việt nam (ngày giao hàng theo vận đơn) đến hết ngày 31/7/2006 và làm thủ tục visa đến hết ngày 15/7/2006 nếu chứng từ nhập/mua nguyên liệu chính trước ngày 25/5/2006.
Thương nhân được cấp hạn ngạch trên 500 tá chỉ được cấp visa cho các lô hàng do thương nhân trực tiếp sản xuất và xuất khẩu khi sử dụng hạn ngạch được cấp từ nguồn tự động hoặc kết hợp cả nguồn tự động và nguồn ký quỹ bảo lãnh…
Nguồn hạn ngạch còn lại sau khi đã cấp tại mục 4 và điều chỉnh tại mục 5: 19.537 tá. Hạn ngạch này chỉ để dành điều tiết lượng được giao trong tháng 7/2006 và dự phòng cho cấp dưới 20 tá cho đến hết ngày 31/12/2006. Liên Bộ sẽ không giải quyết bất kỳ trường hợp nào của Thương nhân tự động giao hàng mà không có đăng ký, không được duyệt trong thời gian qua và sắp tới. Thương nhân tự chịu trách nhiệm nếu vi phạm các quy định tại các Thông báo của Liên Bộ về cat. này./.
Ngày 22/06/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 146/2006/QĐ-TTg về chuyển loại hình
Cho phép chuyển loại hình hoạt động của các trường đại học, cao đẳng bán công sang các loại hình sau: Trường Đại học bán công Marketing, Trường Đại học bán công Tôn Đức Thắng, Trường Cao đẳng bán công Công nghệ và Quản trị doanh nghiệp và Trường Cao đẳng bán công Hoa Sen chuyển sang loại hình trường đại học, cao đẳng tư thục.
Trường Đại học Mở bán công thành phố Hồ Chí Minh chuyển sang loại hình trường đại học công lập để thực hiện nhiệm vụ giáo dục từ xa.Các trường đại học, cao đẳng được nêu tại khoản 1, 2 Điều này được quyết định ghi hay không ghi cụm từ xác định loại hình trường trong tên gọi của trường.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành liên quan ban hành quy định, hướng dẫn việc chuyển loại hình hoạt động của trường đại học, cao đẳng được quy định tại Điều 1 Quyết định này.
Việc chuyển đổi loại hình hoạt động của các trường phải bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, rõ ràng, minh bạch và đúng quy định về tài chính, tài sản; bảo đảm các quyền lợi chính đáng của viên chức, người lao động và của người học, phù hợp với Điều lệ trường đại học, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành, quy chế tổ chức và hoạt động của trường cao đẳng tư thục do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
Việc xử lý vốn, tài sản và đất đai hiện có của nhà trường được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thời hạn chuyển đổi: hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2007.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.
Ngày 23/06/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2006/NĐ-CP Về tổ chức và hoạt động Thanh tra công an nhân dân.
Thanh tra Công an nhân dân là Thanh tra nhà nước được tổ chức thành hệ thống trong Công an nhân dân, có chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Đối tượng thanh tra của Thanh tra Công an nhân dân: Cơ quan, đơn vị và cá nhân thuộc Bộ Công an quản lý; Cơ quan, tổ chức và cá nhân Việt Nam trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an; Cơ quan, tổ chức và cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có hoạt động liên quan đến pháp luật về bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Hệ thống tổ chức Thanh tra Công an nhân dân gồm: Thanh tra Bộ Công an ; Thanh tra Tổng cục; Thanh tra Bộ Tư lệnh Cảnh vệ; Thanh tra Cục Quản lý trại giam, Cơ sở giáo dục và Trường giáo dưỡng; Thanh tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ; Thanh tra Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Hình thức thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành Công an nhân dân gồm có thanh tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất.
Việc ra quyết định thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành phải có một trong các căn cứ sau đây: Chương trình, kế hoạch thanh tra đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Yêu cầu của Thủ trưởng Công an các cấp; Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các quy định thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công an.
Cuộc thanh tra hành chính do Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Tổng cục thuộc Bộ Công an tiến hành không quá bốn mươi lăm ngày; trường hợp phức tạp có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá bảy mươi ngày.
Cuộc thanh tra hành chính do Thanh tra các cấp khác trong Công an nhân dân tiến hành không quá ba mươi ngày; trường hợp cần thiết có thể gia hạn, nhưng tổng thời gian không quá bốn mươi lăm ngày.
Cuộc thanh tra chuyên ngành được tổ chức theo Đoàn thanh tra tiến hành không quá ba mươi ngày; trong trường hợp cần thiết có thể gia hạn một lần nhưng tổng thời gian thanh tra không quá sáu mươi ngày.
Thanh tra Bộ Công an và Thanh tra Công an cấp tỉnh có con dấu và tài khoản riêng. Các cơ quan Thanh tra khác trong Công an nhân dân được sử dụng con dấu và tài khoản của cơ quan quản lý cùng cấp.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Bãi bỏ những quy định trước đây trái với Nghị định này./.
Ngày 23/06/2006 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2006/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của thanh tra tài nguyên và môi trường.
Thanh tra Tài nguyên và Môi trường là cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, bao gồm Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường và Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện chức năng thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, môi trường, khí tượng thuỷ văn, đo đạc và bản đồ theo quy định của pháp luật.
Tổ chức của Thanh tra Tài nguyên và Môi trường bao gồm: Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường; Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường. Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở có con dấu riêng.
Thanh tra Bộ là cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường.Thanh tra Bộ có các phòng trực thuộc do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập.
Thanh tra Bộ có Chánh Thanh tra, các Phó Chánh Thanh tra và các Thanh tra viên.Chánh Thanh tra do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra; các Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên được bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của Thanh tra Bộ.
Thanh tra Sở là cơ quan trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành trong phạm vi quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Thanh tra Sở có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra và Thanh tra viên. Chánh Thanh tra Sở do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh; các Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên được bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của pháp luật.
Thanh tra hành chính: Thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý trực tiếp của Thủ trưởng cùng cấp. Nội dung, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra hành chính thực hiện theo quy định từ Điều 34 đến Điều 44 của Luật Thanh tra và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thanh tra.
Thanh tra chuyên ngành: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trong phạm vi quản lý nhà nước của Thủ trưởng cùng cấp đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến tài nguyên và môi trường, bao gồm: Tài nguyên đất; Tài nguyên nước; Tài nguyên khoáng sản;…
Hoạt động thanh tra được thực hiện dưới hình thức thanh tra theo chương trình, kế hoạch và thanh tra đột xuất.Thanh tra theo chương trình kế hoạch được tiến hành theo chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc do Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao.
Việc thanh tra được thực hiện theo phương thức Đoàn thanh tra hoặc Thanh tra viên độc lập.
Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.
Ngày 30/06/2006 Bộ trưởng Bộ bưu chính, viễn thông đã ban hành Quyết định số 20/2006/QĐ-BBCVT ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu.
Danh mục này bao gồm các loại máy tính, thiết bị truyền phát dùng trong lĩnh vực truyền hình như có camera vô tuyến, ghi hình ảnh làm nền… đã qua sử dụng sẽ không được phép nhập khẩu…
Trong số 7 nhóm mặt hàng nằm trong danh mục sản phẩm công nghệ thông tin (CNTT) đã qua sử dụng không được phép nhập khẩu, nhóm thứ nhất mang mã số gồm các loại máy chữ, máy soạn và xử lý văn bản dùng điện và không dùng điện. Nhóm thứ 2 là các mặt hàng gồm máy tính điện tử và máy ghi, máy thống kê kế toán, máy đóng dấu miễn tem bưu điện, máy bán vé và các loại máy tương tự, có kèm theo bộ phận tính toán như máy tính tiền…
Năm nhóm còn lại bao gồm các loại máy tính xách tay, máy in phun, in kim, laze, các loại ổ đĩa cứng, đĩa mềm, bộ điều khiển, máy quét ảnh, máy fax, thiết bị tổng đài điện thoại, điện thoại cố định và cầm tay nối mạng Internet, thiết bị đường dây thuê bao số ADSL, thiết bị mạng riêng ảo VPN... Ngoài ra, các loại dây dẫn, cáp điện thoại, cáp sợi quang đã qua sử dụng theo quy định mới của Bộ Bưu chính Viễn thông đều nằm trong danh sách cấm nhập khẩu…
Danh mục được lập dựa trên cơ sở Danh mục hàng hoá và Mã số HS trong Biểu thuế xuất khẩu, nhập khẩu.Danh mục chỉ cấm những hàng hoá có mã 8 số. Những mã 4 số và 6 số trong danh mục chỉ có tác dụng làm rõ nội dung thông tin về chủng loại hàng hoá được quy định cấm bởi mã 8 số.
Linh kiện, phụ tùng đã qua sử dụng của hàng hoá thuộc danh mục sản phẩm CNTT đã qua sử dụng cấm nhập khẩu cũng bị cấm nhập khẩu.Danh mục này không áp dụng cho hàng hoá công nghệ thông tin đã qua sử dụng được nhập khẩu đồng bộ theo hệ thống chuyên dụng.
Quyết đinh này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.
Ngày 30/06/2006 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 28/2006/QĐ-NHNN về việc ban hành quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngân hàng nhà nước.
Quy chế này quy định việc quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước (sau đây viết tắt là CB, CC, VC).
CB, CC, VC được cử đi đào tạo văn bằng cấp quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây: Chấp hành tốt nội quy cơ quan, có trách nhiệm cao trong công tác, hoàn thành tốt công việc được giao, có nguyện vọng và cam kết làm việc lâu dài tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Quy chế này; Nằm trong quy hoạch đào tạo ở các trình độ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Đáp ứng đầy đủ yêu cầu của cơ sở đào tạo.
Ngoài các điều kiện chung, CB, CC, VC được cử đi đào tạo văn bằng cấp quốc gia phải đáp ứng những điều kiện sau: Đào tạo Tiến sỹ ( Có thời gian làm việc ít nhất là 36 tháng...); Đào tạo Thạc sỹ ( Có ít nhất 12 tháng làm việc tại Ngân hàng Nhà nước kể từ khi có quyết định tuyển dụng vào biên chế chính thức hoặc hợp đồng làm việc..); Đào tạo đại học văn bằng 2 ( Có ít nhất 12 tháng làm việc tại Ngân hàng Nhà nước..); Đào tạo đại học tại chức ( Có ít nhất 36 tháng làm việc...); Đào tạo hoàn chỉnh văn bằng đại học ( Có ít nhất 24 tháng làm việc...).
Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế chương V Quy chế cán bộ, công chức, viên chức Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 61/2000/QĐ-NHNN9 ngày 23 tháng 02 năm 2000 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (gọi tắt là Quy chế 61). Các quy định tại điểm a và điểm b khoản 6 Điều 17, khoản 7 Điều 19, khoản 6 Điều 20 và khoản 2 Điều 40 của Quy chế 61 hết hiệu lực thi hành./.
Ngày 30/06/2006 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/2006/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế Việt Nam giai đoạn đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 với nội dung chủ yếu sau đây: Hệ thống y tế theo quy hoạch này gồm mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, mạng lưới sản xuất, lưu thông, phân phối và cung ứng thuốc.
Mục tiêu của Quy hoạch này là xây dựng hệ thống y tế Việt Nam từng bước hiện đại, hoàn chỉnh hướng tới công bằng, hiệu quả và phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ, giảm tỷ lệ mắc bệnh, tật và tử vong, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng cuộc sống…
Phấn đấu đến năm 2010, số giường bệnh/vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 20,5 giường (có 2 giường của bệnh viện tư nhân) và đấn năm 2020 là 25 giường…
Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao khả năng tiếp cận của người dân đối với các dịch vụ y tế thiết yếu. Đến năm 2010, bảo đảm hầu hết các xã có trạm y tế kiên cố và 80% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã…
Phát triển ngành dược thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, đáp ứng, cung ứng thường xuyên, đủ thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý và ổn đinh thị trường thuốc phòng, chữa bệnh cho nhân dân. Đẩy mạnh nghiên cứu và sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế…
Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo./.


--
If you do not want to receive any more newsletters, this link

To update your preferences and to unsubscribe visit this link

reply via email to

[Prev in Thread] Current Thread [Next in Thread]